Nếu bạn từng hy vọng rằng tình yêu có thể hóa giải mọi khoảng cách, rằng chỉ cần đủ chân thành thì mọi nỗi đau sẽ được lấp đầy… thì câu chuyện này sẽ khiến bạn phải nhìn lại.
Có những người phụ nữ từng nghĩ rằng hy sinh là đủ. Họ lặng lẽ lo từng bữa cơm, gấp từng chiếc áo, canh từng giấc ngủ cho chồng con… rồi tự thuyết phục mình rằng như thế là yêu, là đủ đầy.
Cho đến khi một ngày họ nhận ra — sự hiện diện của mình trong căn nhà ấy chỉ như một cái bóng. Lặng thầm. Vô hình. Và… thay thế được.
Người đàn ông đầu ấp tay gối với họ bảy năm, chưa từng một lần thực sự nhìn thấy nỗi cô đơn đang dày vò người vợ mỗi đêm chờ cửa.
Đứa con mà họ từng suýt mất mạng để sinh ra, từng ru ngủ bằng tất cả hơi ấm của tình mẫu tử, lại có thể thốt ra những lời vô tâm như cắt vào da thịt.
Bạn đã bao giờ ngồi trước mâm cơm nguội ngắt, chờ một người chẳng bao giờ về đúng giờ? Bạn đã từng nấu một bữa tối chỉ để đổ vào thùng rác? Đã từng nhắn một tin nhắn chỉ mong nhận lại một chữ “Ừ” — mà cũng không có?
Người phụ nữ trong câu chuyện này… đã từng như thế.
Cô không phải là kẻ yếu đuối. Càng không phải người dễ từ bỏ.
Nhưng khi tất cả nỗ lực của cô — từ những món ăn học mãi mới nấu ngon, đến từng lần nhẫn nhịn khi bị xem thường — chỉ được đáp lại bằng sự dửng dưng và lạnh lẽo, thì cô hiểu… sự chịu đựng không thể níu kéo một cuộc hôn nhân đã chết từ lâu.
Và khi đứa trẻ từng gọi cô là “mẹ” bằng giọng ngọt ngào, lại nhìn cô bằng ánh mắt vô cảm, hờ hững, như thể cô chỉ là một người giúp việc được gắn thêm chức danh “mẫu thân” — thì cô biết, ngay cả tình mẫu tử… cũng cần được trân trọng đúng cách.
Chuyến đi định mệnh ấy, nơi cô tưởng mình sẽ cô đơn bước qua vùng đất đầy gió và cát, lại mở ra một cánh cửa khác — nơi quá khứ và hiện tại vô tình chạm mặt.
Người cũ năm xưa — người từng cố giữ cô lại trước cánh cổng hôn nhân sắp khép — nay xuất hiện đúng lúc cô gần như đánh mất chính mình.
Không hứa hẹn, không ràng buộc, không vội vàng… anh chỉ lặng lẽ đồng hành, đúng nghĩa một người bên cạnh.
Và rồi, trong hành trình trở về, giữa những lần đối mặt ngột ngạt với người chồng cũ và đứa con trai ngày càng xa cách, cô dần nhận ra: có những cuộc chia tay không phải vì hết yêu, mà vì không thể yêu tiếp với tất cả tổn thương cũ chưa kịp lành.
Có lẽ… ai đó sẽ trách cô ích kỷ, sẽ thương đứa trẻ, sẽ tiếc cho một gia đình tan vỡ. Nhưng nếu bạn từng sống trong một ngôi nhà mà ánh mắt là những lưỡi dao và sự im lặng là cách trừng phạt, bạn sẽ hiểu: ra đi… chính là cách cuối cùng để cứu lấy bản thân.
Và đôi khi, chỉ khi buông bỏ một người đã quá quen thuộc, ta mới có cơ hội nhìn lại chính mình — và bước tiếp, vững vàng hơn, kiêu hãnh hơn, như thể chưa từng bị nhấn chìm bởi tình yêu sai cách.
*****
Trong căn nhà tối mịt, đột nhiên vang lên tiếng ổ khóa bị xoay nhẹ. Tôi giật mình tỉnh dậy từ chiếc ghế sofa lạnh ngắt, người còn ngơ ngẩn chưa kịp định thần.
Việc đầu tiên tôi làm, là bê toàn bộ đĩa thức ăn đã nguội ngắt trên bàn, lặng lẽ đổ hết vào thùng rác.
Vệ Trạch vừa thay giày xong, bước ra phòng khách để tìm nước uống, bắt gặp hành động đó thì đứng sững lại. Khuôn mặt anh sầm xuống, ánh mắt lạnh như băng lướt qua tôi.
“Khương Diệp, em đang làm gì vậy?”
Anh nhíu mày, giọng khàn duc đầy mỏi mệt.
“Em cần phải làm quá đến mức này sao?”
Tôi vẫn không đáp lời, chỉ lặng lẽ dọn hết mọi thứ trên bàn, rửa sạch chén bát, rồi cất gọn vào tủ. Sau đó, tôi đứng trước cửa căn phòng ngủ phụ, chậm rãi quay người nhìn anh.
“Vệ Trạch, ly hôn đi. Con để anh chăm, tôi không giữ gì cả, ra đi tay trắng. Tôi đã gửi thỏa thuận ly hôn cho trợ lý của anh rồi. Mong anh sớm ký tên.”
Tôi nói liền một mạch, rồi quay lưng lại, đóng cửa và khóa trái. Hốc mắt đỏ hoe, nước mắt lặng lẽ trào ra không tiếng động.
Một lúc sau, bên ngoài mới vọng vào giọng nói nén giận của Vệ Trạch.
“Khương Diệp, công việc đã khiến anh quá mệt mỏi rồi. Em còn muốn gây chuyện gì nữa đây?”
Câu nói khiến cổ họng tôi nghẹn lại, đến thở cũng khó khăn. Tôi không đáp, chỉ lặng im. Ngoài cửa sổ, mưa bắt đầu trút xuống, xối xả như muốn xé toạc màn đêm.
Có lẽ trong mắt anh, tôi chỉ là đang làm mình làm mẩy. Giống như suốt bảy năm qua, mỗi khi tôi trao tình cảm một cách chân thành, đổi lại chỉ là sự dửng dưng, lạnh nhạt đến tàn nhẫn.
Tôi từng bỏ tâm sức trang trí từng góc nhỏ trong ngôi nhà này. Đáp lại là một câu châm chọc:
“Khương Diệp, đừng biến nhà thành cái chợ với đầy hoa hoè hoa sói như thế. Nhìn chẳng khác gì bãi rác.”
Tôi từng cẩn thận xếp từng bộ quần áo, phối đồ cho anh chỉnh chu mỗi ngày, nhưng cái tôi nhận lại chỉ là sự khó chịu:
“Đừng dung vào tủ đồ của anh. Anh có gu riêng, có thói quen riêng.”
Có đêm tôi thức trắng chỉ để chờ anh về, chuẩn bị sẵn nước nóng để anh ngâm mình thư giãn. Nhưng đổi lại là câu nói lạnh như sương giá:
“Em rảnh quá à? Ngày nào cũng kè kè theo anh, việc của bảo mẫu cũng giành làm?”
Khi ấy, tôi quay lưng đi mà mặt trắng bệch không còn giọt máu. Bước chân như nặng trĩu, không nhấc nổi. Anh thì chỉ buông thêm một câu:
“Nước nguội rồi. Pha lại đi.”
Mỗi lần tôi dồn tâm sức vào bữa cơm gia đình, chưa kịp mời anh ăn thì đã bị phủ đầu:
“Học nấu ăn cho ra hồn chút đi. Anh quen với vị của đầu bếp nhà hàng rồi, cái thứ nhạt nhẽo này nuốt sao nổi.”
Tôi ngượng đến mức mặt đỏ bừng, chỉ có thể lí nhí đáp:
“Ừ… em biết rồi.”
Vì câu đó, tôi âm thầm mời đầu bếp của khách sạn năm sao về dạy nấu ăn. Đôi tay sưng rộp vì dầu mỡ, người luôn ám mùi khói bếp. Vậy mà những món ăn được chuẩn bị kỹ lưỡng vẫn chẳng lọt nổi vào mắt anh. Anh không buồn động đũa, cứ như tôi làm mọi thứ là điều đương nhiên, thậm chí là phiền phức.
Lúc anh ta rảnh rỗi, ngồi trên ghế nhìn tôi loay hoay bận bịu, vác thân mỏi mệt về sau một ngày xoay vần với gia đình. Mồ hôi, mùi dầu mỡ, quần áo lấm lem — tất cả lọt vào mắt anh nhưng không một lần khiến anh động lòng.
Với anh, mọi cố gắng của tôi chỉ là những điều tầm thường và vô nghĩa.
Còn những lúc tôi không kìm được nữa mà phản kháng, anh lại lôi hết mọi chuyện ra để đổ lỗi: nào là ném đồ, bỏ việc, thậm chí rời nhà đi — rồi gán cho tôi hai chữ "trẻ con", cùng giọng điệu lạnh tanh:
“Khương Diệp, em không phải con nít nữa. Bớt mang cái tính khí dở hơi ấy về nhà.”
Bảy năm trôi qua, những tình huống, những lời lẽ, không ngừng lặp lại như một vòng luẩn quẩn không lối thoát.
Còn tôi thì… đã cạn kiệt sức lực rồi.
Làm sao Vệ Trạch có thể biết được, rằng chiều nay lúc năm giờ, tôi đã gọi cho trợ lý của anh.
“Phu nhân, hôm nay Tổng giám đốc Vệ không có tiệc xã giao gì, chắc chắn sẽ về nhà sớm ạ.”
Tôi còn đích thân nhắn thêm một dòng:
“Tối nay em có chuyện muốn nói. Em sẽ nấu cơm, đợi anh về.”
Tôi vẫn tin rằng anh sẽ không quên hôm nay là ngày kỷ niệm bảy năm kết hôn của chúng tôi.
Dù tình cảm giữa chúng tôi đã nguội lạnh từ lâu, nhưng vì sự liên kết ngày càng sâu sắc giữa hai bên gia tộc, cả tôi và anh đều cố giữ lấy chút thể diện cuối cùng bằng cách tỏ ra vẫn tôn trọng nhau.
Và đó, có lẽ là điều duy nhất mà suốt sáu năm qua, anh ta vẫn kiên trì giữ được — một vẻ ngoài chỉn chu, một lớp vỏ hào nhoáng.
Thế nhưng lần này thì khác. Tin nhắn tôi gửi đi mãi không nhận được hồi âm. Đến một chữ “Ừ” hời hợt thôi anh cũng không thèm nhắn lại.
Trợ lý đã nói rõ rằng hôm nay anh xong việc sớm, nhưng tôi vẫn cố nghĩ tốt cho anh, đoán rằng có lẽ anh còn đang bận giải quyết nốt công việc nào đó quan trọng.
Vậy nên, tôi đặt điện thoại xuống, bước vào bếp.
Gần hai tiếng đồng hồ, tôi tỉ mẩn chuẩn bị nguyên liệu, nấu những món ăn sở trường bằng tất cả tâm huyết của mình.
Tôi ngồi xuống bàn ăn, lặng lẽ hít hà hương thơm của những món vừa hoàn thành. Trong lòng, vẫn giữ lại chút hy vọng mong manh — rằng anh sẽ về, sẽ khen tôi một câu, dù chỉ là xã giao.
Nhưng khi ánh sáng ngoài trời dần tắt, căn phòng nhỏ vốn ngập nắng hoàng hôn bắt đầu chìm dần vào bóng tối, trở thành một nhà tù âm u giam giữ tôi cùng nỗi thất vọng.
Hy vọng trong phút chốc hóa thành tro bụi.
Thay vào đó là cảm giác chán ghét trào dâng, đè nặng lên long ng** khiến tôi nghẹt thở.
Những điều từng khiến tôi nâng niu, từng khiến tôi không nỡ buông tay, bỗng chốc trở nên nhạt nhòa, vô nghĩa.
Tôi không còn hiểu nổi — việc hạ mình chịu đựng, nhún nhường để níu giữ một gia đình giả tạo thế này, rốt cuộc là vì điều gì?
Càng nghĩ, lòng càng thêm uất nghẹn.
Thế là tôi quyết định — nếu đây là lần phản kháng cuối cùng, thì nhất định phải khiến anh ta nhớ suốt đời.
Khi anh vừa về đến, tôi không nói không rằng, cố tình trút cả bàn ăn vừa nấu đổ thẳng vào thùng rác trước mặt anh.
Tôi từng hàng trăm lần tưởng tượng cảnh mình sẽ hất tung mâm cơm lên, nhưng chưa bao giờ dám làm thật. Lý trí, sự giáo dưỡng luôn kéo tôi lại vào khuôn phép.
Chỉ lần này — tôi không muốn nhẫn nhịn thêm nữa.
Không phải vì giận dỗi. Mà bởi vì… tôi cũng có lòng tự trọng của riêng mình.
Tôi lau sạch nước mắt, chỉnh lại giọng nói, rồi mở cửa bước ra. Dùng đúng cái giọng thờ ơ mà Vệ Trạch thường dùng với tôi, tôi đáp nhẹ:
“Vệ Trạch, em không phải đang giận.
Chỉ là… em đã sống với anh đủ rồi.”
Thật ra, đây không phải lần đầu tiên tôi đề nghị ly hôn.
Trong sáu năm qua, tôi đã nói đến ba lần. Nhưng lần nào cũng kết thúc bằng vài ngày chiến tranh lạnh, rồi một câu quen thuộc từ anh:
“Thôi đi, đừng trẻ con nữa.”
Lần này là lần thứ tư.
Khác với những lần trước, tôi nói ra câu ấy bằng một giọng điệu bình thản đến kỳ lạ.
Sự điềm tĩnh ấy khiến khuôn mặt cau có của Vệ Trạch cứng lại trong thoáng chốc. Anh ta lặng người một chút, rồi cố gắng kiềm chế:
“Khương Diệp, em có hiểu mình đang nói gì không?
Ly hôn không phải trò đùa.
Em có biết việc làm trẻ con này sẽ gây tổn thương thế nào cho gia đình này, cho Thiên Kỳ không?”
Lông mi tôi khẽ rũ xuống, môi run lên nhè nhẹ nhưng tôi không nói thành lời.
Vệ Trạch nhìn tôi, rồi từ từ hạ giọng xuống:
“Khương Diệp, đừng gây chuyện nữa. Đi nghỉ sớm đi.”
Tôi lắc đầu, tay bấu chặt lấy khung cửa đến mức trắng bệch, không còn giọt máu.
“Vệ Trạch, em nói là ly hôn.
Lần này là thật.”
Ánh mắt anh lập tức tối sầm lại. Một ngọn lửa giận như được châm ngòi, bùng lên trong đôi mắt sâu thẳm đang khóa chặt lấy tôi. Anh ta gần như mất hết kiên nhẫn:
“Đó là lời mà một người làm mẹ nên nói sao?
Còn Thiên Kỳ thì sao?
Nó mới sáu tuổi, nó cần có mẹ bên cạnh.
Em muốn nó lớn lên trong môi trường thế nào?
Khương Diệp, sao em có thể ích kỷ đến vậy?”
Bình luận ()
* Hãy đăng nhập để tham gia bình luận về truyện nhé.