Sau khi mất việc, dù đã tìm đủ mọi mối quan hệ, ba tôi vẫn không thể quay lại công chức. Cuối cùng, ông đành gác lại sĩ diện, cùng ông bà nội ra chợ bán rau để kiếm sống qua ngày.
Xét theo lẽ thường, Duệ Phong – em trai tôi – là con trai duy nhất trong nhà, đáng lý phải được cưng chiều nhất. Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Nó mới chính là người thiệt thòi và khổ sở nhất trong cái nhà này.
Ông bà nội không hề phân biệt con trai con gái. Ba tôi thì ngày nào cũng ngồi lặng lẽ trước cổng chợ, nhìn từng người đồng nghiệp cũ ngày một thăng tiến, phát tài. Sự ghen tỵ và cay đắng từ đó tích tụ, dần dần biến thành thù hằn – nhưng ông lại chỉ trút lên tôi và Duệ Phong, chứ chưa một lần quay lưng với mẹ tôi.
Vậy nên khi nghe chính miệng ba buông ra hai chữ “ly hôn”, tôi còn sững sờ hơn cả mẹ. Vì với ông, thể diện chính là thứ quan trọng hơn cả sinh mệnh.
Và có lẽ đến lúc ấy, mẹ tôi mới thật sự nhận ra – bà đã đẩy một người đàn ông từng yêu bà đến mức đánh đổi cả cuộc đời mình – đến tận cùng giới hạn.
Biết thế khó thoát, mẹ tôi lập tức tung chiêu cũ: chuyển hướng mâu thuẫn. Bà nhanh chóng đổ tội cho tôi và em trai, bảo rằng cả hai bị bác gái xúi giục, rồi xoay chiều cơn giận của ba sang bác tôi.
Nhưng lần này, ba tôi không còn là người dễ bị dắt mũi như trước.
Ép con gái mình phải ly hôn với một người chồng đang thầu căng-tin, vừa là đối tác kinh tế nhập rau của gia đình, để gả cho một người cùng thế hệ, đầu óc không tỉnh táo – là điều ông không thể nào chấp nhận.
Hủy hoại tương lai của đứa con duy nhất làm việc trong bộ máy nhà nước – lại càng là nỗi sỉ nhục không thể tha thứ.
Thế là, ba tôi thức trắng đêm để nói chuyện với mẹ tôi. Ông phân tích đủ điều, nói hết lý lẽ, thậm chí còn phóng đại mọi hệ lụy để khiến bà tỉnh ra.
Lúc ấy, tôi và Duệ Phong còn tưởng ông vì yêu quá hóa khờ, còn mẹ tôi thì nghĩ tất cả vẫn còn trong tầm kiểm soát.
Không ai ngờ rằng, ba tôi không ly hôn khi ấy chẳng phải vì còn tình cảm – mà chỉ đơn giản là... chưa muốn mất mặt. Bởi năm xưa để cưới được bà, ông đã dốc cả khoản sính lễ lớn, và rồi mất luôn công việc biên chế chỉ vì bà nhất định sinh thêm con trai.
Mà giờ đây, nhan sắc ngày nào của mẹ tôi cũng đã tàn phai theo năm tháng. Không còn thứ gì để ông đem ra tự hào nữa.
Riêng ông thì chưa từng nghĩ mình có lỗi. Mọi thứ, ông đều đổ cho hoàn cảnh và người khác.
Khi bà nội hay tin, bà bàng hoàng không nói nên lời.
Lo sợ tôi bị mẹ chồng ghét bỏ vì những chuyện không đâu, bà liền bàn với bác gái: mua cả túi lớn thuốc bổ, tự mình đến bệnh viện thăm nom mẹ chồng tôi. Trước khi về, bà còn để lại một khoản tiền, bảo là “mua đồ mới cho cháu”.
Dù khách sáo đùn đẩy mãi, cuối cùng mẹ chồng tôi cũng đành nhận, vì không thể từ chối tấm lòng của một người bà.
Tất nhiên, số tiền ấy... bị trừ thẳng vào lương ba tôi.
Mẹ tôi biết rõ điều đó, nhưng không dám lên tiếng với bà nội. Thế là mọi oán hận lại dồn hết lên bác gái – người mà bà vẫn luôn ganh tỵ vì được lòng nhà chồng hơn mình.
Ba tôi thì nghĩ, sau cái đêm “giảng đạo” ấy, mẹ tôi sẽ bớt gây chuyện, chí ít cũng an phận một thời gian.
Nhưng ông đã lầm.
Vừa về nhà ngoại được mấy hôm, mẹ tôi lại tái xuất – cùng đồng minh cũ là thím tôi.
Lần trước bị tôi dạy cho một trận nhớ đời, hai người không dám dung tới tôi nữa – vì tôi đang mang thai. Thế là họ chuyển hướng sang mục tiêu mới: Duệ Phong.
Đầu tiên, họ giới thiệu cho em tôi một cô gái mà theo lời kể thì “tinh thần không được ổn định”, là cháu của một người họ hàng bên ngoại. Họ ép nó phải đồng ý cưới bằng được.
May mà cô gái kia lại chê Duệ Phong: không đeo khuyên, không có hình xăm, ăn mặc lỗi mốt, đi bộ vài cây số đã than mệt. Thế là... không ưng.
Không nản lòng, hai bà lại tiếp tục tiến cử một “ứng viên” mới – lần này là bạn chơi mạt chược của thím tôi, đã ly dị, có hai con riêng, và đặc biệt... từng triệt sản.
Lại may thêm một lần nữa: người phụ nữ ấy từ chối thẳng thừng vì chê Duệ Phong có mẹ “không bình thường”, thêm cả bà thím phá làng phá xóm – nghe thôi đã thấy mệt.
Duệ Phong gọi video cho tôi, mặt mũi uể oải, ánh mắt tràn đầy bất lực:
“Chị à... em không biết nên vui hay buồn khi bị người ta chê như vậy nữa. Chị hiểu cảm giác đó không?”
Tôi thở dài:
“Chị hiểu quá là đằng khác.
Nhưng chị nghĩ mấy chuyện mai mối này chỉ là cái cớ thôi. Hai bà đó chắc chắn đang âm mưu chuyện gì mờ ám hơn.”
Duệ Phong cười gượng gạo, giọng đầy cay đắng:
“Chị đoán trúng rồi.
Hai bà ấy muốn em ra mặt, gây sức ép để cả làng mình và làng bên nhà ngoại chấp nhận giải tỏa toàn bộ, chỉ chừa lại nhà bác gái. Nhà mình với nhà cậu sẽ được đền bù mỗi nhà mười triệu, còn những hộ khác chỉ được năm triệu – như vậy thì ba em mới nở mày nở mặt.”
Tôi nhíu mày:
“Thế... còn nhà bác thì được bao nhiêu?”
Duệ Phong hạ giọng:
“Không một xu. Cưỡng chế. Ai phản đối là đưa thẳng ra toà.”
Tôi nghẹn lời.
Chồng tôi ló đầu ra từ phía sau, hờ hững nói:
“Kệ họ đi. Cùng lắm tặng mỗi người hai cái tát cho tỉnh lại.”
Nhưng Duệ Phong không còn tâm trí đùa nữa. Gương mặt nó méo xệch:
“Chị ơi… em tiêu rồi.”
Tôi giật mình:
“Họ đến chỗ em gây chuyện à?”
Nó lắc đầu, rồi hít sâu một hơi:
“Không… họ lấy danh nghĩa em, đi khắp làng gom tiền.
Nhà đầy ắp quà cáp, đến cái ghế cũng không còn chỗ mà ngồi.
Chị à, anh rể… bây giờ em biết làm sao đây?
Hai người đó muốn dồn em vào chỗ chết thật rồi!”
Duệ Phong nghẹn ngào, nước mắt lã chã rơi xuống.
Một chàng trai mới hơn hai mươi tuổi, vậy mà khóc như đứa trẻ bị đẩy đến đường cùng. Nhìn em trai mình như vậy, tim tôi đau như cắt.
Tôi cố giữ bình tĩnh để dỗ dành, trấn an nó từng lời, nhưng lòng tôi lúc ấy cũng đã rối như tơ vò.
Chồng tôi không chần chừ, lập tức gọi cho bố mẹ chồng và bác gái, báo cáo lại toàn bộ tình hình.
Nửa tiếng sau, bà nội và cả nhà bác trai dẹp sạp, tức tốc trở về.
Em họ tôi và bố mẹ chồng cũng xin nghỉ làm để kịp về hỗ trợ.
Sau một hồi bàn bạc, cuối cùng Duệ Phong cũng nín khóc. Dưới sự tháp tùng của chồng tôi, nó bắt đầu bước vào trận chiến thực sự: thuyết phục ba mẹ mình trả lại toàn bộ số quà đã nhận sai phép.
Ba tôi lúc ấy đang ngà ngà rượu, mặt đỏ bừng, vừa mắng Duệ Phong là kẻ thiển cận, không có tầm nhìn, vừa gằn giọng:
“Việc trong nhà mà đến lượt con rể dính vô à?”
Mẹ tôi thì đứng bên cạnh liên tục gật đầu đồng tình, như thể tất cả đều là lỗi của con cái không biết vâng lời.
Thấy nói lý không ăn thua, Duệ Phong lặng lẽ vào bếp, lấy một con dao, kề thẳng lên cổ ba tôi – không nói, không rằng.
Chưa đến một phút sau, ba tôi tỉnh táo hơn cả uống nước đá. Ông lập tức đổi giọng, lắp bắp đồng ý.
Bình luận ()
* Hãy đăng nhập để tham gia bình luận về truyện nhé.